Phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp trong đêm cho người bệnh chấn thương sọ não tại Bệnh viện đa khoa Việt Đức
Khoảng 1h30 ngày 09 tháng 1 năm 2024, người bệnh nhân L.N.H (Nam, 47 tuổi, tại Việt Trì, Phú Thọ) được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Việt Đức trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng, co giật, Glassgow 12 điểm. Qua khai thác quá trình bệnh sử từ gia đình, trước đó 7 ngày, người bệnh tự ngã đập đầu xuống nền nhà nhưng sau ngã không đi thăm khám ở cơ sở y tế nào.
Tại khoa Hồi sức cấp cứu, người bệnh được làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não. Kết quả chụp CT sọ não cho hình ảnh chảy máu cấp tính dưới màng cứng bán cầu não bên phải, dọc liềm đại não và trên lều tiểu não.
Hình ảnh: Cắt lớp vi tính sọ não trước mổ
Ngay lập tức, kíp trực cấp cứu bao gồm Bác sĩ chuyên khoa Hồi sức, Bác sĩ chuyên khoa Ngoại đã hội chẩn BSCKI. Hoàng Văn Thu – Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - chuyên khoa phẫu thuật thần kinh. Người bệnh được chỉ định: Phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ dưới màng cứng, cầm máu ngay trong đêm.
Hình ảnh: Cắt lớp vi tính sọ não sau mổ
Với sự vào cuộc khẩn trương của kíp trực Khoa Hồi sức cấp cứu, ê kíp bác sĩ phẫu thuật người bệnh đã được mở sọ lấy hết máu tụ và cầm máu bằng bipolar. Sau mổ, người bệnh được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục điều trị hậu phẫu. Sau 9 ngày điều trị tích cực, người bệnh ổn định, ý thức, đi lại bình thường và được ra viện.
BS. Thu cho biết: “Máu tụ dưới màng cứng cấp đe dọa đến tính mạng cần được phẫu thuật cấp cứu. Với các trường hợp bán cấp hoặc mãn tính, tùy theo mức độ có thể được điều trị bảo tồn bằng nội khoa hoặc phẫu thuật. Triệu chứng của tụ máu dưới màng cứng phụ thuộc vào kích cỡ, vị trí và sự chèn ép, đụng giập nhu mô não của khối máu tụ. Các triệu chứng có thể bắt đầu ngay lập tức hoặc sau một vài tuần kể từ khi chấn thương. Hãy cảnh giác với máu tụ dưới màng cứng, dù là những va chạm nhỏ nhất. Khi bị chấn thương, đặc biệt vùng đầu nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời”.