Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Người bệnh có thể bị lây nhiễm vi rút viêm gan B qua đường tiêm truyền, vết thương chảy máu hoặc sây xát rớm máu, từ máu của mẹ sang con trong cuộc sinh hoặc hiếm khi lây qua đường tình dục
Người nhiễm vi rút viêm gan B có thể bị viêm gan cấp tính, viêm gan mãn tính. Số đông còn lại có nhiễm vi rút viêm gan B nhưng không bị viêm gan. Người nhiễm mãn tính cho dù có dùng thuốc kháng vi rút hay không dùng đều gần như không có khả năng chuyển âm tính bền vững.
1. Viêm gan B cấp tính:
Viêm gan B cấp tính phát sinh trong khoảng 6 tháng đầu kể từ khi người bệnh nhiễm virus, là giai đoạn đầu của quá trình nhiễm virus viêm gan B. Khoảng 90% người nhiễm virus viêm gan B cấp tính sẽ tự khỏi và 10% người mắc sẽ tiến triển thành viêm gan B mãn tính, gây nguy hiểm cho gan.
2. Nhiễm vi rút B mãn tính có mãn có Viêm gan: Có thuốc kháng vi rút viêm gan B dạng uống, dạng tiêm hiệu quả tốt
Viêm gan B mãn tính là khi người bệnh nhiễm virus viêm gan B trên 6 tháng kể từ khi bị nhiễm virus. Nhiều người nhiễm vi rút viêm gan B bị viêm gan mãn tính và âm thầm tiến tới xơ gan hoặc ung thư gan. Đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, âm thầm dẫn theo nhiều biến chứng khó lường khác như viêm da, viêm khớp, làm nặng lên các bệnh về chuyển hóa huyết áp tim mạch cơ xương khớp.
3. Nhiễm vi rút mãn nhưng không bị viêm gan: Không phải điều trị thuốc kháng vi rút.
Tỷ lệ này khá cao đến 80% và bất kỳ lúc nào đều có nguy cơ chuyển viêm gan mà không phải người bệnh nào cũng nhận biết được. Vì vậy người nhiễm vi rút viêm gan B cần được theo dõi đánh giá và tư vấn cả đời để có thể bảo vệ tốt nhất cho lá gan của mình
Để hiểu rõ hơn về các biểu hiện của nhiễm viêm gan B, hãy cùng tìm hiểu một trường hợp cụ thể mắc viêm gan B đã được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Việt Đức.
Người bệnh nam 33 tuổi vào viện vì vàng da, vàng mắt. Chưa có tiền sử bệnh lý, chưa tiêm phòng viêm gan B. Cách 02 tuần vào viện, người bệnh xuất hiện vàng da, vàng mắt, chán ăn, sợ mỡ, nước tiểu sẫm màu, đi ngoài phân nát 2-3 lần/ngày, chưa dùng thuốc gì, tình trạng bệnh ngày càng tăng lên => vào viện trong tình trạng: tỉnh, tiếp xúc được, chán ăn, mệt mỏi, sợ mỡ, da củng mạc vàng tươi, thể trạng trung bình, BMI: 21.8 kg/m2, tim đều, phổi không rales bệnh lý, không đau đầu, không yếu liệt, bụng mềm, gan lách không sờ thấy, dấu hiệu Murphy âm tính, Không có sao mạch, không có tuần hoàn bàng hệ, tĩnh mạch cổ nổi âm tính.
BSCKII. Đỗ Thị Phương Mai – Trưởng khoa Nội tổng hợp thăm khám người bệnh
Dựa trên lâm sàng thì nghĩ đến trường hợp viêm gan Cấp tính nhưng sau khi vào viện người bệnh đã được làm các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B: HBsAg miễn dịch tự động: DƯƠNG TÍNH, HbcAb IgM: ÂM TÍNH, và đo tải lượng virus HBV DNA: 4.74*10^9 Copies/ml. Các xét nghiệm thể hiện tình trạng huỷ hoại tế bào gan: GGT [Máu]: 206.8(U/), ALT: 283(U/L), độ AST: 292(U/L), Bilirubin trực tiếp: 157.5(µmol/L), Bilirubin toàn phần: 251.4(µmol/L)
Và người bệnh đã được chẩn đoán đợt cấp viêm gan B mãn. Người bệnh đã được dùng thuốc kháng virus viêm gan B, các thuốc bổ trợ gan, đạm gan. Sau 10 ngày điều trị, người bệnh đã đỡ vàng da, tình trạng huỷ hoại tế bào gan đã giảm dần và được ra viện dùng thuốc uống. Điều đặc biệt là chính người bệnh cũng không rõ mình bị nhiễm từ khi nào và như thế nào. Để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm gan hiệu quả, người bệnh nên xây dựng một lối sống khoa học, dinh dưỡng lành mạnh và thăm khám sức khỏe định kỳ.