Bé gái Thận - Niệu quản đôi được phát hiện và phẫu thuật điều trị tại Bệnh viện đa khoa Việt Đức
Thận niệu quản đôi là dị dạng bẩm sinh với hai phần tử thận với hai bể thận và hai niệu quản riêng biệt. Đây là dị dạng bẩm sinh thường gặp trong các dị dạng đường tiết niệu, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Thận niệu quản đôi có thể gây ra các biểu hiện như:
- Rỉ nước tiểu liên tục
- Nhiễm trùng đường tiết niệu kéo dài với các biểu hiện như đái rắt, đái máu, đái ra mủ, nước tiểu có màu đục
- Đái khó do túi sa niệu quản lan xuống niệu đạo
- Túi sa niệu quản ở nữ với các khối phồng vùng âm hộ (hiếm gặp)
- Ở bé gái, xuất hiện mô nhô ra từ lỗ niệu đạo trong âm đạo.
Hình ảnh thận – niệu quản đôi
Bệnh viện đa khoa Việt Đức tiếp nhận trường hợp cháu N.T.A.N (14 tuổi tại Thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) bị rỉ nước tiểu thường xuyên từ nhỏ, nhưng do điều kiện hoàn cảnh nên gia đình chưa cho đi khám ở đâu, cháu tự dùng băng vệ sinh thấm hút nước tiểu, gần đây thấy nước tiểu rỉ nhiều hơn nên đến Bệnh viện thăm khám.
Tại phòng khám Nhi, sau khai thác bệnh sử PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương - một trong những phó giáo sư hàng đầu tại Việt Nam về Thận nhi đã chẩn đoán: Thận niệu quản đôi và niệu quản cắm vào âm đạo mặc dù chưa có kết quả của chẩn đoán hình ảnh. Và kết quả siêu âm, chụp cắt lớp vi tính đã khẳng định chẩn đoán ban đầu của PGS Quỳnh Hương hoàn toàn đúng. Người bệnh được chẩn đoán xác định: Thận đôi bên phải, phân đôi hoàn toàn đường bài xuất thận phải.
Phim chụp cắt lớp vi tính của người bệnh
Cháu N. có tổng cộng 3 thận và 3 niệu quản, người bình thường chỉ có 2 thận và 2 niệu quản. Hai thận và niệu quản bên phải phân đôi hoàn toàn, thận trên teo nhỏ, đài bể thận và niệu quản giãn đổ thấp xuống dưới tiểu khung, không đổ vào bàng quang, chức năng thận kém. Đây chính là lý do khiến cháu N. có triệu chứng rỉ nước tiểu kéo dài. Hội chẩn với bác sĩ ngoại chuyên khoa Thận – tiết niệu, người bệnh được chỉ định phẫu thuật.
Ca phẫu thuật do TS.BS Hoàng Công Lâm – Giám đốc bệnh viện trực tiếp thực hiện, đã cắt niệu quản phụ không thông với bàng quang, thắt đầu dưới, đầu trên nối với niệu quản chính bằng miệng nối tận bên. TS.BS Hoàng Công Lâm cho biết: Thận - niệu quản đôi là dị tật bẩm sinh đường tiết niệu thường gặp. Điều trị thận - niệu quản đôi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể qua các biểu hiện lâm sàng và hình thái ghi nhận bất thường của chẩn đoán hình ảnh. Trong nhiều trường hợp, không cần phải can thiệp bằng phẫu thuật nếu không có triệu chứng hay biến chứng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải được can thiệp bằng phẫu thuật. Như trường hợp của cháu N., chúng tôi đã thống nhất chỉ định phẫu thuật”.
Sau mổ 6 ngày, cháu N sức khoẻ ổn định, vết mổ khô, liền tốt, không còn thấy rỉ nước tiểu và được xuất viện. Chia sẻ với chúng tôi, bố của cháu N. nghẹn ngào: “Cảm ơn bác sĩ Bệnh viện đa khoa Việt Đức đã phát hiện và phẫu thuật điều trị cho con gái tôi. Tôi cũng không ngờ được con gái lại mắc bệnh này. Từ giờ cuộc sống của cháu đã có thể trở về bình thường, không còn những phiền toái và mặc cảm, tư ti nữa”.
Thận - niệu quản đôi có thể gây nhiễm khuẩn tiểu ở các mức độ khác nhau, nếu không được điều trị có thể gây nhiễm khuẩn huyết, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Phụ huynh cần chú ý khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường như: Tiểu đau, tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu đục, tiểu máu hoặc rỉ nước tiểu liên tục cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh, đặc biệt là các dị tật đường tiết niệu để được tư vấn và điều trị sớm.