Bệnh viện đa khoa Việt Đức điều trị người bệnh viêm mô bào biến chứng nhiễm khuẩn huyết trên người bệnh suy thận mạn chạy thận chu kỳ
Viêm mô bào là bệnh khá phổ biến thường gặp nhất do tụ cầu vàng (Streptococci) và liên cầu (Staphylococci), Vibrio vulnificus, alginolyticus, damsela...với biểu hiện là một nhiễm trùng cấp tính ở da và mô dưới da. Bệnh thường khởi phát ở một vùng da sưng, nóng, đỏ và đau; sau đó nhanh chóng lan rộng. Bệnh có thể xảy ra bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên thường gặp vùng da ở chi thể. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như: sốt rét; Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, mê sảng; Đau cơ, da ấm nóng, vã mồ hôi; Các triệu chứng cho thấy bệnh viêm mô tế bào đang lan tỏa: Buồn ngủ, hôn mê, chảy dịch hoặc rỉ dịch màu vàng trong hoặc mủ ra từ bên trong da, có nhiều phồng rộp da. Nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.
Người bệnh D.T.H (44 tuổi tại Yên Lập, Phú Thọ) là người bệnh chạy thận chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa Việt Đức, nhập viện trong tình trạng cẳng tay trái sưng nề, bầm tím, nổi phỏng nước, đau rát tổn thương diễn biến nhanh kèm theo cơn sốt rét run. Theo chia sẻ của người bệnh, trước vào viện 1 ngày khi đang làm vườn không may cành gai cứa vào vùng cổ tay, tuy nhiên do chủ quan vết xước nhỏ nên không xử lý.
Hình ảnh cẳng tay trái người bệnh trước điều trị
Tại khoa Thận – Lọc máu Bệnh viện đa khoa Việt Đức, sau thăm khám và làm các xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán: Viêm mô bào biến chứng nhiễm khuẩn huyết trên người bệnh suy thận mạn. Kết quả cấy máu của người bệnh: Burkholderia Gladioli - một loại trực khuẩm gram âm. BSCKII. Nguyễn Trường Giang – Trưởng khoa đã hội chẩn cùng BSCKII. Đỗ Thị Phương Mai – Trưởng khoa Nội tổng hợp - chuyên gia điều trị các bệnh lý truyền nhiễm thống nhất phác đồ điều trị tích cực, phù hợp: làm xẹp các ổ dịch, bảo tồn tối đa có thể lớp da tự nhiên, cắt lọc tổ chức hoại tử và làm sạch tổ chức viêm, kết hợp kháng sinh toàn thân.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng người bệnh ổn định và được xuất viện.
Hình ảnh cẳng tay trái người bệnh sau điều trị
Viêm mô bào xảy ra khi có vi khuẩn xâm nhập, bình thường chúng xuất hiện trên bề mặt da nhưng không phải luôn gây hại. Khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch (người mắc các bệnh mạn tính như suy thận mạn, đái tháo đường, viêm gan, tăng huyết áp, đang điều trị ung thư hay các bệnh tự miễn bằng thuốc ức chế miễn dịch…), người cao tuổi, có vết cắt hoặc vết trầy xước, vết đứt, vết nứt trên da… các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào các lớp bên dưới da và gây ra tổn thương viêm, nhiễm trùng. Khi có bất kỳ triệu chứng nào, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh chủ quan dẫn đến những biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng. Các trường hợp bệnh nhân có nguy cơ nói trên cần trang bị cho mình thói quen giữ vệ sinh toàn thân (da, răng , miệng...), bảo về đường hô hấp để ngăn chặn nguy cơ mác các bệnh lây nhiễm.