Bất chấp những cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn từ tiết canh, nhiều người dân vẫn ăn tiết canh lợn và phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm.
Trường hợp người bệnh nam T.T.A (31 tuổi) tại Nông Trang, Việt Trì ăn tiết canh lợn, sau đó 3 ngày bắt đầu xuất hiện nổi ban toàn thân nhiều nhất ở vùng ngực lưng, hai chi dưới. Ngày thứ 7, người bệnh đến khám tại bệnh viện đa khoa Việt Đức trong tình trạng: Nổi hồng ban dạng nốt, dạng mảng toàn thân kích thước 1x2 cm, vùng mu bàn chân phải ban xuất hoại tử dạng mảng, ấn đau tức.
Qua khai thác tiền sử, các biểu hiện của bệnh và kết quả cận lâm sàng người bệnh được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn.
Tại khoa Hồi sức cấp cứu, người bệnh được điều trị theo kháng sinh đồ, quá trình điều trị đáp ứng tốt và hồi phục hoàn toàn, ra viện sau 7 ngày.
BSCKI. Nguyễn Ngọc Thái – PGĐ, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, 70% người bệnh mắc liên cầu lợn là do ăn tiết canh. Bệnh hiện chưa có vaccine điều trị. Vì vậy, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh và các nội tạng động vật chưa được nấu chín. Và khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.