Viêm tụy cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa
Viêm tụy cấp : Là tình trạng tuyến tụy bị viêm sưng đột ngột, xảy ra trong thời gian ngắn, bệnh có thể diễn tiến đến suy cơ quan, nhiễm trùng huyết, hoại tử tụy,… Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Viêm tuỵ cấp chiếm tỷ lệ 80/100.000 dân số, do nhiều nguyên nhân như lạm dụng bia rượu, sỏi mật, tăng mỡ máu…
Vậy nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị , phòng ngừa viêm tụy cấp như thế nào?
1. Nguyên nhân viêm tụy cấp:
-
Do rượu: hiện nay nguyên nhân này là thường gặp nhất.
-
Tắc nghẽn: sỏi ống mật chủ, u tụy (dạng nang, hoặc u ác tính) hay u vùng Valter, giun chui ống mật hoặc dị vật...
-
Sau phẫu thuật vùng quanh tụy, sau can thiệp nội soi mật - tụy ngược dòng.
-
Do chấn thương đụng dập vùng tụy.
-
Do rối loạn chuyển hóa như: tăng triglycerid máu, tăng calci máu.
-
Các nguyên nhân khác: Nhiễm vi khuẩn, virus, độc chất hoặc thuốc.
2. Triệu chứng viêm tuỵ cấp:
Bệnh cảnh lâm sàng khá đa dạng, biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau: mức độ nhẹ chỉ cần nằm viện ngắn ngày, ít biến chứng; mức độ nặng bệnh diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng, tỉ lệ tử vong cao 20-50% trong bệnh cảnh suy đa tạng, nhiễm trùng.
a. Triệu chứng cơ năng
Đau bụng: là dấu hiệu nổi bật nhất, thường xuất hiện một cách đột ngột ở vùng thương vị, có thể lan lên ngực, ra mạn sườn hai bên, xiên ra sau lưng. Đau liên tục dữ dội kéo dài nhiều giờ. Đau có thể khởi phát sau khi ăn “bữa ăn thịnh soạn’’ (nhiều đạm, nhiều chất béo), sau uống nhiều rượu bia. Cũng có khi khởi phát tự nhiên.
-
Buồn nôn, nôn
-
Đi ngoài phân lỏng
-
Bí trung đại tiện
-
Khó thở (do đau, do tràn dịch màng phổi/ổ bụng)
b. Triệu chứng toàn thân
-
Sốt: thường sốt nhẹ, hoặc sốt cao nếu nhiễm trùng đường mật do sỏi, giun, hoại tử tuỵ rộng
-
Mạch, huyết áp:
-
Thể nhẹ: tỉnh táo, mệt mỏi nhưng mạch, huyết áp ổn định, không khó thở.
-
Thể nặng: có thể sốc, hốt hoảng, kích động hoặc chậm chạp, li bì ,vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh nông
c. Triệu chứng thực thể
-
Bụng chướng : chướng hơi đều, gõ vang, có thể gõ đục vùng thấp nếu dịch ổ bụng nhiều
-
Phản ứng thành bụng: có thể phản ứng cục bộ hay toàn vùng trên rốn, xuất hiện ở hạ sườn phải khi viêm tụy cấp do sỏi mật.
-
Điểm sườn lưng đau một hay hai bên đau
-
Vàng da kèm gan to : túi mật to do sỏi, giun hoặc sỏi đường mật gây ứ mật hoặc viêm gan.
-
Trường hợp nặng (nhất là trong viêm tụy cấp hoại tử): có thể gặp các mảng bầm tím dưới da ở hai bên mạn sườn (dấu hiệu Grey Turner) hay quanh rốn (dấu hiệu Cullen), là biểu hiện sự chảy máu ở vùng tuỵ hay quanh tuỵ
Chẩn đoán, Phòng và Điều trị bệnh viêm tụy cấp: Cùng tìm hiểu ca bệnh thực tế:
Ngày 29/11/2023, Khoa Nội tổng hợp-Bệnh Viện Đa Khoa Việt Đức tiếp nhận ca bệnh: Nam, 58 tuổi; tiền sử lạm dụng rượu, viêm tuỵ cấp 03 lần; vào viện vì đau bụng vùng thượng vị. Theo lời người bệnh kể lại: 3 ngày nay người bệnh uống rượu liên tục, số lượng khoảng 600ml/ngày, đến ngày thứ 3 đột ngột đau bụng thượng vị, đau quặn từng cơn, đau lan ra sau lưng, kèm buồn nôn, nôn khan, không sốt, đại tiểu tiện bình thường.
Vào viện trong tình trạng: Tỉnh táo, da niêm mạc hồng, mạch 102 lần/phút, huyết áp 120/70 mmHg, bụng chướng vừa, gõ vang, ấn đau tức thượng vị, điểm Mayo-Robson hai bên ấn đau, không có phản ứng cơ thành bụng, cảm ứng phúc mạc âm tính, gan lách không sờ thấy.
Xét nghiệm máu: BC/NEU: 12.33/76.1%; HGB/HCT: 113/39.6; Ure/Creatinin: 6.2/78.3; GOT/GPT/GGT: 28/21/204; Canxi: 2.37/1.19; Glucose: 6.46; CRP 0.84; Amylase 403.6
Siêu âm ổ bụng: Tuỵ nhu mô không đều, ống tuỵ giãn đường kính 5mm, thâm nhiễm xung quanh đầu tuỵ, thân và đuôi tuỵ hạn chế quan sát do vướng hơi.
CT bụng có tiêm thuốc: Viêm tuỵ cấp Balthazar C.
Tại khoa Nội, người bệnh được chẩn đoán: Viêm tuỵ cấp Balthazar C do rượu.
Điều trị tích cực: hồi sức dịch điện giải, giảm đau, giảm tiết dịch vị, kháng sinh, tạm nhịn ăn. Sau 48 giờ điều trị, người bệnh được ăn trở lại. Sau 05 ngày điều trị, người bệnh ổn định, ra viện dùng thuốc theo đơn.
Bệnh viêm tuỵ cấp có nguy hiểm không?
Có thể coi viêm tuỵ cấp là một bệnh nguy hiểm, bởi có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp kịp thời
Diễn biến bệnh nhanh, đa dạng và phức tạp với các biến chứng có thể xảy ra tương ứng với các giai đoạn và mức độ nặng của bệnh: Sốc ,suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy đa tạng, rối loạn đông máu có thể phải can thiệp thở oxy, thở máy, thuốc chống đông, lọc máu, thay huyết tương hoặc can thiệp cấp cứu ngoại khoa.
Khuyến cáo: Bệnh viêm tuỵ cấp không khó chữa nhưng cũng rất dễ tái phát. Do đó, điều quan trọng là sau điều trị người bệnh cần tiếp tục duy trì các khuyến nghị của bác sĩ nhằm tránh bệnh tái phát:
-
Lối sống lành mạnh: hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, tránh thức ăn có nhiều chất béo (nội tạng, đồ dầu mỡ), cà phê, nước ngọt….
-
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày; ăn thực phẩm giàu protein và chất chống oxy hóa; uống 1,5 - 2 lít nước/ngày; bổ sung vitamin để nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết.
-
Vận động hợp lý, khám sức khoẻ định kỳ và tuân thủ tư vấn dùng thuốc của bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh lý, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh’’
Viêm tuỵ cấp do rượu tái phát nhiều lần có thể dẫn tới viêm tuỵ mạn với các biến chứng: Nang giả tuỵ, tắc mật, suy tuỵ (giảm các men tiêu hoá, đái tháo đường), loãng xương, xơ gan và đáng ngại nhất là ung thư tuỵ (tiến triển rất nhanh và ác tính). Vì vậy “Hãy bỏ rượu sớm khi còn có thể”. Hẳn các bạn còn nhớ Steve Jobs – Cha đẻ của Iphone và Ipad cũng bị ung thư tuỵ, và dù là một trong những người giàu nhất thế giới nhưng vẫn phải đầu hàng căn bệnh này.
BS. Hoàng Thị Bích Ngọc, Khoa Nội Tổng Hợp – Bệnh viện đa khoa Việt Đức
Tài liệu tham khảo:
1.Vũ Văn Đính, Nguyễn Quốc Anh ,cs(2019), Hồi sức cấp cứu toàn tập, Nhà Xuất Bản Y học
2..American College of Gastroenterology: Guidelines for the management of acute pancreatitis (2013)
3.American Gastroenterological Association: Guidelines on the initial management of acute pancreatitis (2018)