I. Răng khôn là gì?
Răng khôn hay còn được gọi với tên gọi khác là răng hàm lớn thứ ba hoặc răng số 8.
Độ tuổi thường mọc răng khôn là từ 18 - 25 tuổi, tuy nhiên có nhiều trường hợp mọc muộn hơn. Trong độ tuổi này xương hàm dưới hầu như đã phát triển hoàn thiện về kích thước và độ cứng, lớp niêm mạc và mô mềm trở lên dày chắc,… khiến cho răng khôn thường mọc lệch hoặc mọc ngầm và nằm phía trong cạnh răng hàm, nhất là gặp ở hàm dưới khiến cho việc ăn uống và vệ sinh gặp khó khăn.
Mỗi người thường có 04 răng khôn (2 răng khôn hàm trên và 2 răng khôn hàm dưới), có thể có 1 hoặc 2 hoặc 3 răng khôn tuỳ từng cá thể. Cũng có cá thể không có răng không nào.
II. Những biến chứng thường gặp của răng khôn:
1.Viêm lợi trùm, viêm nhiễm tại chỗ
Đây là biến chứng thường gặp (hay gặp hơn ở hàm dưới) và là nguyên nhân hàng đầu đưa người bệnh tới gặp bác sĩ Răng Hàm mặt.
Răng khôn mọc lệch tạo nên khe kẽ giữa răng khôn và răng hàm cùng bên, hoặc răng khôn mọc không hoàn toàn tạo thành khoang chứa thức ăn giữa mặt nhai và lợi phủ phía trên. Việc vệ sinh tại các vị trí này thường khó khăn, không lấy được hết vụn thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nên tình trạng viêm nhiễm tại chỗ. Viêm nhiễm kéo dài gây sưng nề lớn, hạn chế há miệng, khiến vùng xương xung quanh nó bị phá hủy và còn có thể lan sang răng bên cạnh. Nếu không chữa trị kịp thời có thể khiến viêm lan toả gây rò góc hàm, nhiễm trùng huyết, viêm màng trong tim, nhiễm trùng sang mang tai, má,…
Những triệu chứng liên quan đến nhiễm trùng: lợi dễ chảy máu, đau nhức, hôi miệng, sưng nướu hoặc có khi sưng mặt, sưng vùng má. Một số trường hợp nhiễm trùng còn kéo theo tình trạng sốt, thân nhiệt cơ thể tăng cao (trên 38 độ C).
2. Sâu răng
Răng khôn mọc nghiêng, chèn vào răng bên cạnh (răng số 7) tạo khoảng trống nhét thức ăn. Ở vị trí đó việc vệ sinh răng miệng khó, tạo môi trường thuận lợi cho sâu răng phát triển ngay trên răng khôn và vị trí tiếp xúc giữa răng khôn và răng số 7 cùng bên. Khi răng đã bị sâu, lỗ sâu tăng kích thước, phá hủy cấu trúc của răng, có thể gây viêm nhiễm tạo chỗ và gây viêm tuỷ răng số 7.
3. U, nang thân răng
Khi bị nhiễm trùng mạn tính quanh thân răng kèm với túi răng còn sót khi mọc không hoàn chỉnh sẽ dẫn đến hình thành u xương hàm như nang thân răng, K xương hàm,… Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tiêu xương hàm dần dần, tăng nguy cơ bị gãy xương hàm.
4. Gây rối loạn cảm giác và phản xạ
Có nhiều dây thần kinh liên quan tới hàm răng nên khi răng số 8 mọc lệch và ngầm có thể gây chèn ép các dây thần kinh. Việc đó dẫn tới cảm giác ở môi, da, niêm mạc và răng bị giảm một phần hoặc không có cảm giác. Đặc biệt có thể gây nên hội chứng giao cảm như đau một bên mặt, phù hoặc đỏ quanh vùng ổ mắt.
III. Răng khôn có cần nhổ không?
Nhiều người khi bị đau răng khôn thường băn khoăn nhổ đi hay giữ lại. Một số trường hợp còn lo ngại nhổ răng khôn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Thực tế, thủ thuật nhổ răng khôn tương đối đơn giản, nhanh chóng và an toàn nếu được thực hiện ở các cơ sở nha khoa uy tín với bác sỹ có kinh nghiệm.
Các trường hợp răng số cần được xử lý sớm để tránh các hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng
1. Răng khôn chưa gây biến chứng nhưng có khe giắt với răng bên cạnh.
2. Răng khôn mọc lệch gây các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại nhiều đợt, hoặc gây u nang và ảnh hưởng tới các răng lân cận.
3. Có bệnh nha chu hoặc sâu răng.
4. Răng khôn mọc thẳng và đủ chỗ, không bị cản trở bởi nướu và xương nhưng không có răng đối diện ăn khớp. Lâu dần răng mọc trồi dài ra hàm đối diện làm nhồi nhét thức ăn và lở loét nướu hàm đối diện.
5. Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở nhưng hình dạng bất thường, dị dạng, cũng gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, dễ gây sâu răng và viêm nha chu.
BS. Nguyễn Thị Minh Lý