Viêm phổi cộng đồng: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa
1.Viêm phổi cộng đồng là gì ?
-
Viêm phổi cộng đồng (VPCĐ) là tình trạng nhiễm trùng phổi cấp tính xảy ra ở người đang sống trong cộng đồng bên ngoài bệnh viện.
-
VPCĐ là một bệnh phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người mỗi năm và xảy ra trên toàn thế giới. Là một trong những nguyên nhân chính gây ra 4 triệu ca tử vong hàng năm (7% tổng số tử vong trên thế giới) [4]. Tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ < 5 tuổi và người lớn > 75 tuổi. Theo WHO (2015) viêm phổi là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ mắc VPMPCĐ ở các nước đang phát triển cao hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển.
2.Nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng:
Viêm phổi cộng đồng có thể gặp do một số tác nhân: vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng … Trong đó thường gặp nhất là VPCĐ do vi khuẩn và virus.
3.Các yếu tố nguy cơ gây viêm phổi cộng đồng:
-
Tuổi cao: nguy cơ mắc VPCĐ tăng theo tuổi. Tỷ lệ nhập viện hàng năm do VPMPCĐ ở người ≥ 65 tuổi khoảng 2000/100.000 tại Hoa Kỳ
-
Bệnh mắc kèm mạn tính như : bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, đái tháo đường, suy dinh dưỡng và tình trạng suy giảm miễn dịch (HIV, ghép tạng hoặc ghép tế bào gốc, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, các rối loạn chuyển hóa (suy dinh dưỡng, tăng ure máu, nhiễm toan…).
-
Nhiễm trùng đường hô hấp do virus: Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do virus có thể dẫn đến chứng viêm phổi do virus nguyên phát, viêm phổi do vi khuẩn thứ phát.
-
Suy giảm khả năng bảo vệ đường thở, dẫn đến tăng nguy cơ viêm phổi hít: đột quỵ, co giật, hôn mê, gây mê, sử dụng ma túy hoặc rượu, hoặc khó nuốt do tổn thương thực quản hoặc rối loạn nhu động thực quản.
-
Các yếu tố lối sống và môi trường như: hút thuốc, lạm dụng rượu, sử dụng chất gây nghiện (opioid), hít phải chất độc, điều kiện sống đông đúc (ví dụ: nhà tù, nơi tạm trú cho người vô gia cư), thu nhập thấp và tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường (ví dụ: dung môi, sơn hoặc xăng) cũng là các yếu tố thuận lợi làm gia tăng viêm phổi cộng đồng.

4.Triệu chứng của viêm phổi cộng đồng:
-
Biểu hiện của viêm phổi cộng đồng có thể từ nhẹ với các triệu chứng sốt, ho khạc đờm đến rất nặng như suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm khuẩn huyết.
-
Một số triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là :
-
Sốt : trong viêm phổi cộng đồng do vi khuẩn điển hình phần lớn bệnh nhân sốt cao > 39 độ C, rét run. Tuy nhiên người lớn tuổi có thể không có sốt. Viêm phổi cộng đồng do vi khuẩn không điển hình thường biểu hiện sốt nhẹ .
-
Ho thường có đờm ở trẻ lớn và người trưởng thành, ho khan ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi.
-
Đau ngực kiểu màng phổi và thường đau ở vùng bị tổn thương.
-
Khó thở thường là mức độ nhẹ và xuất hiện khi gắng sức, hiếm khi xuất hiện khi nghỉ ngơi.
5.Điều trị viêm phổi cộng đồng :
-
Tùy vào triệu chứng và tác nhân gây bệnh viêm phổi cộng đồng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
-
Nếu được chẩn đoán sớm, người bệnh viêm phổi cộng đồng có thể khỏi bệnh hoàn toàn mà không để lại di chứng.
-
Nếu không được điều trị kịp thời viêm phổi cộng đồng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như : áp xe phổi, nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp thậm chí tử vong.
6. Các biện pháp phòng ngừa viêm phổi cộng đồng:
-
Chủng ngừa vắc xin cúm 1 lần/năm. Đối với người bị suy tim, viêm phổi mạn tính, có tiền sử thực hiện cắt lách, trên 65 tuổi nên tiêm ngừa phế cầu định kỳ mỗi 5 năm 1 lần.
-
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh.
-
Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất.
-
Giữ cho nhà cửa, môi trường sống, làm việc sạch sẽ.
-
Đeo khẩu trang ở nơi đông người hoặc khi ra ngoài trời.
-
Bỏ hút thuốc lào, thuốc lá để bảo vệ hệ hô hấp.
-
Chú ý giữ ấm phần cổ, ngực khi thời tiết lạnh, chuyển mùa.
-
Tiến hành chữa trị dứt điểm các ổ nhiễm trùng tại vùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
Kết luận : Viêm phổi cộng đồng là một bệnh lý có thể điều trị khổi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Tuy nhiên VPCĐ vẫn là bệnh lý thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao do đó người bệnh nên đến gặp bác sỹ để thăm khám ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ đồng thời nên nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa .