Theo PGS.TS Hà Trần Hưng, PGĐ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, chỉ trong tuần vừa qua, 5 trường hợp tử vong vì ngộ độc rượu trầm trọng. Đáng lưu ý, 4/5 số người tử vong được xác định có hàm lượng methanol cao (hơn 120mg/dl) trong máu và đều uống rượu cùng một khu vực gần BV 198 (Hà Nội).
Bác sĩ Hưng cho biết: “Cho dù đã được cảnh báo nhiều về tác hại do rượu gây nên, năm nào cũng vậy, thời gian trước, trong và sau Tết, lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu lại tăng đột biến. Năm nay cũng không ngoại lệ”.
Ca ngộ độc rượu được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai
Trong quý cuối năm này, ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận ca cấp cứu ngộ độc rượu; có ngày có tới 2-3 trường hợp nhập viện. Điều đáng nói phần lớn ca nhập viện do ngộ độc rượu đều trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, ngừng tim không còn cơ hội sống.
BS. Hưng cho hay các trường hợp ngộ độc rượu ethanol khá phổ biến, nhưng đáng ngại nhất chính là các trường hợp ngộ độc rượu có chứa methanol (loại cồn công nghiệp). Đa phần các ca ngộ độc methanol có nguy cơ tử vong rất cao. “Tỷ lệ ngộ độc methanol cũng tăng nhanh trong thời gian gần đây, cho dù việc nhận biết methanol có trong rượu hay không lại rất rõ ràng”.
Cũng theo cảnh báo của bác sĩ, người càng trẻ, có thể trạng gầy yếu thì nguy cơ ngộ độc rượu dẫn đến hạ đường huyết, gây đến tổn thương não càng cao. Bên cạnh đó, cũng không hiếm trường hợp còn phải chịu di chứng sau điều trị ngộ độc rượu như suy thận, viêm tụy…
Cách phòng tránh ngộ độc rượu dịp tết
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, theo Cục An toàn thực phẩm, cần thực hiện các nguyên tắc sau:
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
- Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Làm gì khi có người bị ngộ độc rượu bia
Trước hết với những trường hợp say rượu bia nhẹ, bạn có thể xử trí tại nhà như sau:
- Kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn.
- Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh để hạn chế mất nước khi uống rượu. Một số loại nước uống như nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... có thể giúp giải độc rượu hiệu quả.
- Không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, mật ong hoặc chích lể vì có hại, dễ bị nhiễm trùng.
- Không để người bệnh tắm ngay khi đang say vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp.
Cần lưu ý, khi chăm sóc người bị ngộ độc rượu không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm vì có thể gây nguy hiểm, dễ bị sặc hay thân nhiệt dễ bị hạ thấp. Vậy nên, cứ khoảng 2 tiếng, bạn nên đánh thức người say, cho ăn chút cháo loãng ấm nóng.
Và cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau:
- Bệnh nhân nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu.
- Lay gọi không tỉnh sau 2-3 giờ.
- Vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu.
- Co giật. Thở chậm, thở không đều, tím tái.