Trẻ sơ sinh vài tháng tuổi bú mẹ rất dễ bị sặc sữa, và trẻ độ tuổi ăn dặm cũng nhiều nguy cơ bị sặc cháo. Các mẹ cần trang bị kiến thức sơ cứu cho trẻ bị sặc nếu không rất dễ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Mời các bậc phụ huynh tham khảo tư vấn của các bác sĩ chuyên trang ykhoavietduc.com
Phải làm gì khi bé bị sặc sữa
Các tế bào não của trẻ nhỏ rất nhạy cảm với oxy nên nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất dễ bị tổn thương, có thể gây ra tử vong đột ngột. Bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu như: khuôn mặt bị bầm tím, cơ thể co giật, hơi thở đứt quãng, nôn ra sữa hoặc bọt, máu, dung dịch màu đen… để nhận biết khi bé bị nghẹt thở do sặc sữa.
Trẻ bị sặc sữa, nguyên nhân thường là người mẹ hoặc giữ trẻ để trẻ ăn, bú không đúng tư thế hoặc do bình sữa núm vú cao su có lỗ thông quá rộng (ở trẻ phải bú sữa bình)… Trong tư thế nằm, thực phẩm rất dễ lọt vào đường thở, gây tím tái và ngưng thở. Nếu không được sơ cứu kịp thời, trẻ dễ bị tử vong.
Cách xử trí khi bị trẻ sặc sữa:
Khi trẻ bị sặc, sữa có thể tràn vào khí quản, thậm chí vào tận phế nang làm tắc đường hô hấp hoặc cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, khiến trẻ có thể tử vong vì thiếu ôxy. Do đó cha mẹ hoặc người nhà cần sơ cứu ngay trước khi đưa đến bệnh viện.
Điều quan trọng nhất khi sơ cứu bé bị sặc sữa mà bạn cần ghi nhớ, đó là thời gian sơ cứu được tính bằng giây. Bởi vậy ngay khi phát hiện bé bị sặc sữa, bạn cần thực hiện các thao tác sơ cứu thật nhanh gọn, dứt khoát, càng nhanh bao nhiêu thì càng giảm độ nguy hiểm cho bé bấy nhiêu.
Đặt bé nằm ở tư thế thích hợp
– Nếu bé bú no rồi bị sặc sữa thì cần đặt bé nằm nghiêng hoặc nằm thẳng nhưng nghiêng mặt về một bên để tránh sữa tràn vào khí quản.
– Nếu bé mới bú đã bị sặc sữa do bú quá vội thì lúc này dạ dày của bé hầu như rỗng không và có nhiều không khí, bạn cần đặt bé nằm ngửa, giữ hai chân song song với mặt giường rồi nghiêng thân trên của bé một góc 45 – 60 độ. Làm như vậy sẽ lợi dụng được áp lực không khí trong khí quản và dạ dày của bé để đẩy dòng sữa tràn ra ngoài khoang miệng.
Hút hết sữa trong họng bé
– Nếu có máy hoặc thiết bị chuyên dụng để hút sữa, bạn cần sử dụng ngay lập tức. Dùng loại ống mềm cho vào khoang miệng và cổ họng của bé để hút hết sữa ra ngoài.
– Nếu không có máy hút, bạn có thể quấn gạc mềm quanh ngón tay rồi đưa vào khoang miệng, xuống đến tận cổ họng của bé để thấm hết sữa, không để cho sữa tràn vào khí quản khi bé hít thở lần nữa.
Kích thích cho bé ho
Vỗ vào lưng hoặc véo nhẹ lòng bàn chân bé để kích thích cho bé ho hoặc khiến bé thấy đau mà khóc. Ho hoặc khóc sẽ giúp bé đẩy hết dung dịch sữa bị tràn vào khí quản ra bên ngoài khoang miệng, khiến bé hít thở dễ dàng.
Tạo áp lực từ bên ngoài
Ngoài các cách trên, bạn có thể đặt hai bàn tay lên phần bụng trên của bé, sau đó ấn nhẹ theo nhịp để làm tăng áp lực ổ bụng. Dưới tác động của cơ hoành và một phần cơ ngực, dung dịch sữa sẽ bị đẩy ra ngoài. Lặp lại động tác như vậy sẽ giúp bé bớt nghẹt thở và hấp thu oxy dễ dàng hơn.
Cần chú ý mỗi lần ấn tay xuống bụng, bạn cần ấn dứt khoát rồi nhanh chóng nới lỏng tay để bé có thể tiếp tục hô hấp.
Lưu ý khi trẻ bị sặc sữa:
– Nếu trẻ bị sặc, người tím tái… nhưng ngay sau đó lại hồng hào, khóc, chơi đùa được, có 2 khả năng xảy ra: Dị vật đã được tống ra ngoài hoặc trôi xuống khí quản. Cách xử lý thích hợp lúc này là cố gắng giữ yên trẻ, không can thiệp gì, chỉ cần bế trẻ lên cho dị vật không đi ngược lên trên, rồi đưa đến bác sĩ ngay.
– Trong trường hợp trẻ tím tái kéo dài, có thể ngưng thở, người trông trẻ phải đặt trẻ nằm sấp, đầu chúc xuống trên một cánh tay. Dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương bả vai) nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Nếu vẫn không thấy trẻ thở, lặp lại đến 10 lần.
– Đối với trẻ có dấu hiệu ngưng thở, có thể kết hợp các biện pháp trên với thổi ngạt: ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau khi sơ cứu, dù trẻ hồng hào trở lại thì vẫn phải đưa đến bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra xem còn dị vật hay không.
Phòng tránh nguy cơ sặc sữa cho bé
1. Chọn thời điểm cho bú
Bạn nên tránh cho con bú khi bé đang khóc hoặc cười. Đồng thời không nên đợi đến khi bé đói mới cho bú vì lúc đó bé hay “mút ti” một cách vội vàng, vồ vập nên rất dễ bị nghẹn. Khi bé đã bú no bạn cũng không nên “tham lam” ép bé bú tiếp, sẽ gây ra sự cố phát sinh ngoài ý muốn.
2. Cho bú đúng tư thế
Khi cho bú, bạn nên để bé nằm gọn trong lòng mình, hơi nghiêng người bé ở góc khoảng 30 – 45 độ so với thân trên của mẹ. Không nên vừa nằm vừa cho con bú.
Nếu cho bé bú bình, bạn không nên đặt bé nằm thẳng mà nên để bé nằm hơi dốc người xuống phía dưới một chút (vị trí của đầu cao hơn chân). Bình sữa cũng cần dốc xuôi về phía núm vú để tránh trường hợp bé hít không khí trước khi hút được sữa.
3. Kiểm soát tốc độ bú
Khi bầu sữa đang căng đầy mà bé lại mút quá nhanh, bạn nên dùng đầu ngón tay bấm nhẹ vào vùng thẫm màu ở đầu ngực để hãm tốc độ chảy của sữa. Đối với những bé uống sữa công thức thì bạn nên chú ý lỗ thủng ở núm vú không được quá lớn, tốt nhất là bạn nên sử dụng loại bình sữa có phần chặn dòng sữa hiện đang bán rất nhiều trên thị trường.
4. Chú ý quan sát
Bầu vú của mẹ rất dễ chặn ngang lỗ mũi của bé nên bạn cần phải vừa cho bé bú vừa quan sát biểu hiện trên khuôn mặt bé. Nếu miệng bé trào sữa hoặc vùng da xung quanh miệng và đầu mũi bị đổi màu thì nên dừng cho bú ngay lập tức.
5. “Xả” khí trong dạ dày bé
Sau khi bú xong, bạn nên bế dựng và để đầu bé tựa vào ngực mình, rồi nhè nhẹ vỗ vào lưng bé. Làm như vậy sẽ giúp bé đẩy hết phần khí đang chiếm chỗ trong dạ dày. Hoặc bạn có thể đặt bé nằm, đầu kê cao 15 độ so với mặt giường, đầu tiên nằm nghiêng phải trong 30 phút, sau đó nằm thẳng. Tốt nhất không nên cho bé ngủ ngay sau khi bú để tránh tử vong đột ngột.
Trẻ bị sặc cháo: Xử trí đúng cách sẽ cứu tính mạng của trẻ
Phòng ngừa sặc cháo, sữa ở trẻ như thế nào:
– Không cho trẻ ăn uống khi nằm hay khi ngủ, khuyến khích trẻ không nên chạy nhảy, cười đùa trong khi ăn.
– Lựa chọn thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ và chế biến sao cho trẻ nhai và nuốt dễ dàng.
– Cho trẻ ăn từ từ từng muỗng nhỏ, không la mắng ép trẻ ăn nhanh vì nếu trẻ khóc hay nuốt vội vàng sẽ dễ làm trẻ sặc.
– Khi cho bú nên bồng trẻ trên tay với tư thế đầu và vai cao hơn chân, khi trẻ ọc sữa nghiêng đầu trẻ sang một bên để chất nôn không vào đường thở.
– Lấy hết các hạt trong trái cây khi cho trẻ ăn những loại quả như dưa hấu, mãng cầu…
– Kiểm tra cẩn thận thực phẩm khi chế biến, nhất là các loại cá, tôm, cua… Trước khi đem chế biến phải xay nhuyễn thật nhỏ, sau đó dùng vải lọc kỹ càng phần thịt, xương và vỏ.
– Trẻ vừa ăn xong phải cho uống nước để trôi, tuyệt đối không đặt con nằm ngửa ngay sau khi ăn.
Cách sơ cứu khi trẻ bị sặc:
1. Khi trẻ bị sặc sữa nhưng trẻ còn hồng hào, khóc được: cố gắng giữa trẻ yên nên đặt ở tư thế ngồi thở. Nếu bé nhỏ, mẹ bồng giữ yên trẻ, không can thiệp và đưa trẻ đến bệnh viện.
2. Nếu trẻ tím tái kéo dài, không khóc hoặc có thể ngưng thở: cần nhanh chóng gọi cấp cứu và trong khi chờ cấp cứu tiến hành nhanh thủ thuật “vỗ lưng ấn ngực”:
Đối với trẻ lớn ta làm thủ thuật Heimlich:
Khi trẻ còn tỉnh, đứng hay quỳ phía sau trẻ, vòng hai tay ngang trước người trẻ, đặt một nắm tay ngay vùng thượng vị, bàn tay còn lại đặt chồng lên, đột ngột nhấn mạnh và nhanh theo hướng từ dưới lên trên và từ trước ra sau, thực hiện 5 lần
Khi trẻ mê đặt trẻ nằm ngửa, qùy gối cạnh trẻ, đặt hai bàn tay lên nhau ở vùng dưới xương ức trẻ, đột ngột ấn mạnh và nhanh 5 lần theo hướng về phía đầu trẻ
Sau đó kiểm tra miệng trẻ nếu thấy rõ dị vật được tống lên và có thể lấy ra dễ dàng thì móc dị vật ra, không được móc mù (không thấy dị vật) vì làm như vậy có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, gây tắt nghẽn đường thở nhiều hơn.
Trong trường hợp thất bại có thể thực hiện nhiều lần các thủ thuật trên đến khi nào dị vật được đẩy ra và trẻ thở lại bình thường. Nếu trẻ ngừng thở phải ngửa đầu, nâng cằm trẻ và hà hơi thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực. Bên cạnh việc thực hiện thủ thuật tống đẩy dị vật cho trẻ phải gọi ngay đội cấp cứu đến giúp đỡ và đưa trẻ vào bệnh viện.
Chia sẻ kinh nghiệm xử trí khi bé bị sặc sữa
Mẹ bé Tôm: Nếu bé đã bị sặc thì theo kinh nghiệm của mình nên để bé ở tư thế ngồi nghiêng ra đằng trước một góc khoảng 45 độ, và vỗ nhẹ vào vai bé giúp tống thứ đang làm bé sặc ra ngoài. Bé còn nhỏ tháng để tránh bị sặc tốt nhất bạn nên kê cao đầu khi cho bé bú, hoặc tư thế đầu hơi nghiêng. Con mình hồi 2 tháng tuổi đang bú mẹ bỗng dưng bị nôn thành vòi, lúc đó thì mình nghiêng đầu bé sang một bên để tránh sặc.
Mẹ bé Misu: Bé nhà mình trong tháng cũng trớ nhiều, có hôm ăn xong là lại ra như vòi phun nước í. Cũng vỗ chán chê cho ợ mà cũng ko ăn thua mấy đâu, có hôm vẫn ra. Đi khám bác sĩ cũng bảo còn bé, trớ là do cấu tạo ruột dọc hay ngang gì đó, lớn rồi sẽ hết; 1 phần nguyên nhân gây trớ nữa là do bé bị ngạt mũi hoặc họng có đờm nhớt; chịu khó nhỏ thuốc muối sinh lý, lớn dần cũng hết. Ăn thì chia nhỏ bữa, ko nên ăn nhiều vào 1 bữa. Trộm vía, mình thực hiện theo thì giờ bé nhà mình 4 tháng rùi mà đỡ trớ hẳn, chỉ hôm nào trở trời bé mệt thì sẽ trớ thôi.
Còn vụ sặc sữa, mình lúc đầu ko biết cho con ăn nên cũng bị. Nhưng giờ rút kinh nghiệm rùi. Mình thấy cả 2 mẹ con nằm cho nhau ti là thoải mái nhất vì bé nằm nghiêng nên mút đc bao nhiêu sẽ nuốt bấy nhiêu, sữa của mẹ mà chảy ra khi bé chưa kịp nuốt hết sẽ ko bị đổ trực tiếp xuống họng, sẽ tránh sặc cho bé; kể cả nằm ti bình cũng thế. Ko nằm thì ngồi cũng đc, nhưng cũng phải xoay nghiêng người bé áp vào người mẹ; còn ngồi ti bình thì nghiêng hẳn đầu bé hướng ra phía ngoài.