Sốt phát ban (SPB) là một bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em nhưng vẫn có thể gặp ở người trưởng thành. Đây là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch và có thể biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhận biết và xử trí sớm tại nhà như thế nào cho hiệu quả? Trường hợp nào phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay, đó là nội dung mà các bà mẹ cần biết.
Dấu hiệu của bệnh
Sốt phát ban (Roseola: ban màu hồng) là một bệnh trẻ em thường mắc phải. Bệnh chủ yếu do các loại virut gây nên, điển hình nhất là virut sởi (bệnh sởi), virut Rubella (bệnh Rubella hay bệnh sởi Đức), ngoài ra còn nhiều loại virut khác có khả năng gây sốt phát ban cho trẻ nhỏ, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch chống lại chúng.
Khi nghi ngờ trẻ bị sốt phát ban cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Biểu hiện của SPB là khoảng thời gian trước khi bị phát ban, trẻ sẽ có những thay đổi về trạng thái tinh thần, biểu hiện rõ ràng nhất là hay quấy khóc. Tiếp đến là trẻ sốt. Sốt phát ban do sởi thường là sốt cao, kèm ho, chảy mũi, mắt đỏ, sau khi có các triệu chứng đó vài ngày sẽ phát ban toàn thân. Riêng bệnh Rubella, trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ và ban xuất hiện rất nhanh, có thể 1 ngày đã nổi ban khắp da trên cơ thể. Hầu hết trẻ SPB có kèm tiêu chảy hoặc phân hơi lỏng.
Biến chứng của SPB thường gặp của sởi là viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu và có thể biến chứng nặng hơn là viêm não. Các loại SPB khác kể cả ban của bệnh Rubella thường lành tính, ít gặp biến chứng. Tuy nhiên, với bệnh Rubella gặp ở phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu có thể ảnh hưởng đến thai nhi (sẩy thai, sinh non, thai nhi sinh ra mắc nhiều dị tật bẩm sinh ở mắt, tim, não).
Chữa trị sốt phát ban thế nào?
Nếu trẻ xuất hiện phát ban, gia đình chưa thể đưa trẻ đi khám bệnh, tại gia đình, nên hạ nhiệt cho trẻ bằng cách lau mát bằng khăn nhúng nước ấm (nhiệt độ của nước khi nhúng khăn vào phải thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 2 độ). Nên chườm ở trán, nách, bẹn và mặc quần áo mỏng, cởi bớt áo, quần và tã lót và cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát (không nên cho trẻ nằm phòng có máy lạnh với nhiệt độ lạnh quá hoặc không cho quạt xoáy vào người trẻ). Cần lưu ý là không chườm nước đá hoặc nước lạnh cho trẻ.
Khi trẻ sốt, ho, quấy khóc và xuất hiện ban, tốt nhất là cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, nếu được chẩn đoán là SPB và có chỉ định cho trẻ điều trị và theo dõi tại gia đình, cần tuân thủ chỉ định, tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho con mình. Tuyệt đối không được tự tiện dùng thuốc hoặc thay đổi đơn thuốc của bác sĩ.
Khi trẻ sốt cao trên 38oC, nếu chườm ấm mà thân nhiệt không giảm, nên cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc hạ nhiệt loại đầu đạn vào hậu môn cho trẻ. Loại paracetamol đơn chất được khuyến cáo dùng cho trẻ khi sốt cao, liều lượng trung bình là 10mg/1kg cơ thể của trẻ. Có thể làm thông thoáng mũi bằng nhỏ mũi nước muối sinh lý 0,85%. Cần đặc biệt lưu ý là không được nhỏ thuốc nhỏ mũi hoặc uống thuốc ho của người lớn. Nếu trẻ còn bú mẹ, cho trẻ bú bình thường hoặc tăng số lần và tăng thời gian cho trẻ bú. Cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lượng nước bị mất do trẻ sốt cao gây mất nước và chất điện giải. Loại nước cho trẻ uống tốt nhất là dung dịch oresol (ORS). Có hai loại ORS được các nhà sản xuất đóng gói khác nhau (loại 5,63g/gói và loại 27,5g/gói). Với trẻ em nên dùng loại gói nhỏ 5,63g/gói pha vào 200ml nước đã đun sôi, để nguội, lắc đều cho trẻ uống. Trẻ nhũ nhi thì uống 50ml/lần, ngày cho uống khoảng 2-3 lần; trẻ trên 2-6 tuổi có thể cho uống 100ml/lần, ngày cho uống 2-3 lần; trẻ trên 6 tuổi - 12 tuổi cho uống mỗi lần khoảng 150ml, ngày cho uống 2-3 lần. Ngoài ra nên cho trẻ uống thêm nước cam, nước chanh tươi.
Thêm vào đó, trẻ nên được vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, tuy nhiên cần tránh để bé bị nhiễm lạnh. Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn điều trị bệnh cũng rất quan trọng, vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể chống lại bệnh, vừa đảm bảo vệ sinh để bé không bị mắc tiêu chảy. Cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn nhuyễn, lỏng, dễ tiêu, cần được tăng thêm cả về chất lượng và số lượng. Bé nên ăn nhiều hơn bình thường, chia thành nhiều bữa và ưu tiên cho những thức ăn dễ tiêu hóa.
Không nên kiêng gió, kiêng nước, kiêng tắm, kiêng ăn. Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không tắm hay vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên không nên để trẻ bị lạnh. Kiêng ăn quá mức sẽ làm trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm trùng. Đặc biệt cần tiêm đủ các loại vắc-xin để phòng bệnh cho trẻ.
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/xu-tri-sot-phat-ban-tai-nha-n105780.html