1. Tại sao cần phẫu thuật vùng bụng?
Phẫu thuật vùng bụng là cần thiết để điều trị triệt để các bệnh lý khác nhau liên quan đến các thành phần trong ổ bụng, bao gồm các bệnh lý hệ tiêu hóa, gan mật, tiết niệu và sinh dục. Những phẫu thuật này có thể là cấp cứu hoặc có thể trì hoãn, tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh lý. Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, bên cạnh các biến chứng liên quan đến vết mổ như đau, chảy máu và nhiễm trùng vết mổ, bệnh nhân còn đối mặt với nguy cơ cao mắc phải các bệnh lý thứ phát như viêm phổi, xẹp phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, yếu cơ và táo bón.
Việc can thiệp phục hồi chức năng (PHCN) sớm sau phẫu thuật sẽ giúp phòng tránh các biến chứng này, đồng thời giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và đạt được mức độ độc lập chức năng tối đa trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Sự chuẩn bị tốt của bệnh nhân trước mổ cũng góp phần vào việc phục hồi chức năng sau mổ, giúp quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
2. Cần tìm hiểu những gì đối với bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật vùng bụng?
-
Lý do vào viện: Đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, khối u vùng bụng, v.v.
-
Bệnh sử: Thời gian xuất hiện bệnh, triệu chứng đầu tiên, tính chất triệu chứng, chẩn đoán và điều trị cũ, tiến triển của bệnh, tình trạng hiện tại, v.v.
-
Tiền sử: Tiền sử bệnh lý hệ tiêu hóa, gan mật, tiết niệu, sinh dục trước đây; tiền sử phẫu thuật; tiền sử mắc các bệnh lý về hô hấp; tiền sử rối loạn đông chảy máu, v.v.
3. Khám và đánh giá chức năng
4. Chẩn đoán xác định và phân biệt
-
Chẩn đoán xác định: Dựa vào triệu chứng lâm sàng, hỏi bệnh và kết quả cận lâm sàng. Sau mổ, thăm khám và theo dõi kỹ để xác định tình trạng chức năng của bệnh nhân và các biến chứng có thể xảy ra.
-
Chẩn đoán phân biệt: Các bệnh lý cần phẫu thuật qua đường bụng rất đa dạng, vì vậy cần kết hợp dấu hiệu cơ năng và thực thể trên lâm sàng, cùng kết quả cận lâm sàng để chẩn đoán phân biệt.
-
Chẩn đoán nguyên nhân: Hệ tiêu hóa, gan mật, viêm ruột thừa, thủng dạ dày, v.v.
5. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
-
Can thiệp PHCN trước và sau mổ: Tập vận động sớm sau mổ, ngay cả trong khi bệnh nhân đang hồi sức, nhằm hạn chế tối đa những thương tật thứ cấp do bất động lâu.
-
Ưu tiên các bài tập PHCN hô hấp: Bệnh nhân thường thở nông và ứ đọng chất tiết nhiều do hậu quả của gây mê, đau vết mổ và nằm lâu.
-
Kiểm soát đau tốt: Giảm đau sẽ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và dễ dàng thực hiện các bài tập phục hồi.
-
Hỗ trợ tâm lý: Cung cấp sự hỗ trợ về tâm lý cho bệnh nhân trong suốt quá trình phục hồi.
-
Phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong nhóm phục hồi và giữa nhóm phục hồi với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.
6. Phương pháp phục hồi chức năng
-
Trước mổ:
-
Chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và ổn định bệnh trước mổ.
-
Tâm lý trị liệu: Giải thích cho bệnh nhân về tình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật và các biến chứng có thể xảy ra sau mổ.
-
Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập thở và vận động chủ động.
-
Sau mổ:
-
Vận động sớm: Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các động tác chức năng trên giường, khuyến khích ngồi dậy sớm, tập đi lại xung quanh giường, trong phòng, và sử dụng nhà vệ sinh càng sớm càng tốt.
-
PHCN hô hấp: Tập thở chậm và sâu, ho hiệu quả để tống các chất tiết ứ đọng ra ngoài.
-
Tâm lý trị liệu: Duy trì và tăng cường trong suốt quá trình điều trị.
-
Vật lý trị liệu: Kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu và y học cổ truyền để giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
7. Khuyến cáo theo dõi và tái khám sau phẫu thuật vùng bụng
-
Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tiếp tục tập luyện tại nhà để cải thiện mức độ độc lập chức năng.
-
Bệnh nhân cần được tái khám định kỳ để cắt chỉ, đánh giá tình trạng liền vết mổ và các biến chứng có thể xảy ra.
-
Các vấn đề như bí tiểu, tắc ruột có thể phát sinh sau mổ và cần được theo dõi kỹ.
-
Phục hồi chức năng luôn sẵn sàng khi bệnh nhân cần.
Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị phục hồi chức năng – Bộ Y tế, 2014.