Thực phẩm bẩn, tồn dư nhiều hóa chất dễ dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP). NĐTP rất dễ xảy ra với bất cứ ai, đặc biệt ở trẻ em. Nếu biết cách sơ cứu cho người bị ngộ độc thực phẩm sẽ rất hữu ích, giảm đi những hậu quả đáng tiếc.
Ngộ độc thực phẩm là bệnh mắc phải sau khi ăn những thức ăn có một trong những tác nhân như: do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus), do độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn), thực phẩm bị nhiễm hoá chất, hoặc bản thân thực phẩm có độc (chất độc có tự nhiên trong thực phẩm là thực vật, động vật). Thông thường ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1- 2 ngày sau khi ăn.
Những biểu hiện do ngộ độc thực phẩm:
Biểu hiện của NĐTP cũng thay đổi theo từng người, từng nguyên nhân nhưng một số dấu hiệu thường gặp bạn cần lưu ý là:
- Đau bụng quằn quại, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày
- Đau đầu, choáng váng, buồn nôn hoặc nôn liên tục
- Sốt cao.
- Nếu bị nặng hơn là khó thở, da tím tái, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, tụt huyết áp, co giật.
Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại nhà:
- Ngừng ngay thức ăn, khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân để đẩy hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn. Hoặc pha một cốc nước muối loãng rồi cho người bệnh uống, dùng tay đặt vào lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt.
- Sau khi gây nôn để người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa 1 lít nước với một gói oresol hoặc nếu không có sẵn gói oresol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để bù và chống mất nước cho cơ thể. Mặt khác, uống nước còn giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh nhằm hạn chế tối đa những tác hại mà độc tố sẽ mang lại. Đối với những trẻ 2 - 10 tuổi thì pha một gói oresol với 200ml nước rồi cho trẻ uống.
- Nếu bị co giật và ngừng thở, ngừng tim phải cấp cứu cho bệnh nhân bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Nếu bệnh nhân hôn mê, để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên phòng chất nôn sặc vào phổi.
- Sau khi sơ cứu, phải khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện sớm nhất để được xử lý tiếp. Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.
Lưu ý: Đối với các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, khi sơ cứu cần chú ý chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và trong khi gây nôn tránh làm bệnh nhân bị sặc (đặc biệt là trẻ em). Tuyệt đối không cho người bị ngộ độc thực phẩm dùng các thuốc chống tiêu chảy vì các thuốc này có thể làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn, chất độc ra khỏi cơ thể.