Đái tháo đường có thể gây ra loét bàn chân, cắt cụt chi. Kiểm soát đường huyết kém là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý thần kinh và bệnh mạch máu chi dưới. Chấn thương ở bệnh nhân có bệnh lý thần kinh và/hoặc bệnh mạch máu ngoại vi có thể taọ nên một ổ loét. Nếu bội nhiễm, ổ loét có thể không liền và cuối cùng có thể dẫn đến cắt cụt chi. Hầu hết các vết loét bàn chân đều có thể phòng ngừa được thông qua giáo dục, phát hiện và điều trị sớm.
Ngay từ khi phát hiện bệnh ĐTĐ, hàng ngày bệnh nhân cần chú ý chăm sóc bàn chân:
1. Giữ vệ sinh bàn chân sạch sẽ, không nên đi chân trần.
2. Luôn mang giày và vớ mềm:
- Chọn giày dép đúng cỡ, dễ chịu khi đi lại, không mang giày dép quá chật. Nếu giày mới, những ngày đầu không mang quá 1 giờ/ ngày.
- Chọn giày dép loại da mịn, thông thoáng, có bảo vệ phía trước tránh tổn thương các ngón chân.
- Luôn kiểm tra mặt trong giày dép trước khi mang vào, tránh mặt giày dép bị lồi lõm.
- Nên dùng vớ bằng vải hoặc len để bàn chân thông thoáng, không nên dùng vớ nilon. Nên thay vớ hàng ngày.
3. Vệ sinh bàn chân trước khi đi ngủ
- Rửa bàn chân với nước ấm và xà phòng trung tính, lau khô. Nước rửa chân có nhiệt độ không quá 35 độ C, không ngâm chân quá 5 phút.
+ Tìm kiếm các vết nứt trên da, vết cắt, vết phồng, những chỗ thâm, những chỗ đau. Điều này đặc biệt quan trọng ở người cao tuổi hoặc người bị bệnh lâu ngày (biến chứng thần kinh ngoại biên) rất khó phát hiện nên đòi hỏi phải cẩn thận và tỉ mĩ.
4. Giữ da chân không bị chai, vảy sừng: Nếu nhẹ, da khô và bong vảy có thể bôi Lanolin (nếu da mỏng). Nếu da dày quá thì ngâm nước ấm có xà phòng, gọt nhẹ cho da mỏng dần, nếu không sẽ có nguy cơ tạo vết nứt da, thuận lợi cho bội nhiễm về sau.
5. Giữ sạch và khô các kẽ ngón chân.
+ Nếu bàn chân ẩm, nên rắc bột thuốc có chứa dẫn xuất Imidazol để phòng nấm kẽ chân.
+ Tránh để da bị khô. Nên giữ da mềm mại bằng cách: sau khi tắm, thoa ngay các loại dầu (dầu dừa, dầu mè, vaselin…) không dùng phấn talc.
+ Tránh đưa bàn chân gần lửa, nhất là về mùa lạnh vì dễ bị bỏng.
6. Cắt móng chân đúng cách: cắt ngang móng một đường thẳng song song với bờ ngoài ngón chân, dũa các rìa sắc bằng dũa giấy. Không cắt móng chân nhọn quá hoặc sâu quá. Khi làm móng chân cần chú ý đến khâu vệ sinh và vô trùng.
7. Tập thể dục bàn chân:
- Đi bộ mỗi ngày từ 30 đến 60 phút, chú ý bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh mạch vành đi kèm.
Lăn bóng bằng 2 bàn chân với quả bóng tennis khi ngồi xem ti vi vào buổi tối giúp điều hòa hệ thống mạch máu 2 bàn chân.
- Đứng lên và ngồi xuống tại chỗ, tay dựa vào thành ghế 10 đến 20 lần mỗi ngày, sau đó tăng dần số lần.
8. Luôn giữ dòng máu lưu thông tốt ở chân
Khi ngồi hãy để thẳng chân, tránh tình trạng tắc mạch máu do gập gối quá lâu. Luôn cử động cẳng, bàn chân mỗi 5 phút hay nhón gót tại chỗ nhằm tăng co bóp các cơ vùng cẳng chân giúp máu lưu thông tốt hơn. Không nên mang vớ và quần quá chật.
- Khi nằm, kê bàn chân cao hơn đầu khoảng 15-20 cm.
Nguồn: BV Nội Tiết TW và BV đa khoa Quảng Nam
http://benhviennoitiettrunguong.com.vn/content/item/parent/huong-dan- cham-soc- ban-chan-benh-nhan- ai-thao- duong
http://bvdkquangnam.vn/tin-tc/y- hc-thng- thc/1613-hng- dn-chm- soc-ban- chan-bnh- nhan-ai- thao- ng.html