Các triệu chứng tổn thương bị ngạt khí CO bao gồm: chảy nước mắt, viêm kết mạc, ho, khạc ra đờm có than, khó thở, mất định hướng, mất tri giác, bị bỏng, cháy da, lông, tóc,...
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn, ngộ độc khí độc gây tử vong nhiều người một lúc. Phần lớn nạn nhân bị ngất do ngạt khói, khí, hơi độc trước khi bị chết cháy. Do đó, cần trang bị những kỹ năng sơ cứu ngạt khí cơ bản để bảo vệ bản thân cũng như người khác.
Cần biết cách sơ cứu ngạt khí nhanh chóng
Theo bác sĩ Hà Trần Hưng, PGĐ Trung tâm Hồi sức - chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), để có thể ứng phó với tình trạng ngạt khí độc, cần nhận diện được loại hơi, khí, khói gây ngạt. Có thể dễ dàng nhận ra tình trạng khói gây ngạt trong những tình huống hỏa hoạn do chập điện, củi lửa. Tuy nhiên, những tình huống gây ngạt bởi hơi gas, khí độc thường khó nhận thấy như tình trạng bị ngạt do khí độc thải ra từ động cơ ô tô, xe máy, máy phát điện; khí gas, khí amoniac; hơi nước nóng...
Triệu chứng ngộ độc khí CO
Các triệu chứng tổn thương bị ngạt khí CO là: chảy nước mắt, viêm kết mạc, ho, khạc ra đờm có than, khó thở, mất định hướng, mất tri giác, bị bỏng, cháy da, lông, tóc… Nếu nhẹ, thường có biểu hiện thở dốc, buồn nôn, đau đầu; ở mức độ trung bình, nạn nhân cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu; nặng sẽ bị ngất, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong.
Để sơ cứu ngạt khí CO hiệu quả, cần nhận biết sớm các triệu chứng của nó
Triệu chứng ngạt khí CO2
BSCKII Đặng Thị Xuân (Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết những trường hợp tử vong do ngạt khí CO2 diễn rất từ từ, như một giấc ngủ sâu, không lường trước được. Khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn do đó, người bị nạn không hề có phản ứng tự vệ, cơ thể không “cảnh báo” được nguy hiểm để kịp thời thoát khỏi phòng. Đến khi bị sốc do thiếu ôxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt.
Theo các chuyên gia, thông thường khi bị ngạt khí nặng sẽ có những biểu hiện như: đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, phỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Người ngoài có thể thấy nạn nhân bị ngất, khó thở, thở trào bọt hồng, tay chân sưng đau, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần hoặc có những động tác bất thường.
Cách sơ cứu, xử lí khi nạn nhân bị ngạt khí
Khi thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện để cấp cứu, hạn chế di chứng. Người đến cấp cứu nạn nhân cũng cần nhanh chóng gọi thêm người hỗ trợ, đề phòng bị ảnh hưởng khí độc. Quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt.
Trong trường hợp bản thân người đang ở trong phòng kín mà sử dụng máy phát điện hoặc đồ dùng sinh ra khí CO2, thì lúc cơ thể cảm thấy khó thở, hơi choáng thì nên nhanh chóng dậy mở cửa phòng ngay, nếu để lâu cơ thể lịm dần đi. Sau khi mở cửa cần tắt ngay các thiết bị hoặc bước ra ngoài phòng để không bị mệt mỏi do thiếu khí.
Để không bị ngạt khí, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người không nên dùng than, củi để đốt, sưởi trong phòng kín không có không khí. Không chạy động cơ sử dụng xăng, dầu trong các khu vực khép kín. Không sử dụng thiết bị đốt khí gas không có thông hơi trong phòng kín hoặc trong phòng ngủ. Mọi người nên tránh tụ tập những nơi công cộng đông đúc như tầng hầm đậu xe. Ngoài ra, các tòa nhà phải thiết kế hệ thống thông gió, đảm bảo lượng oxy lưu thông.
Xem thêm
>> Nguyên tắc thoát nạn trong đám cháy có nhiều khói
>> Làm cách nào để thoát hiểm khi cháy quán karaoke?
Y Khoa Việt Đức (T.H)