Việt Nam ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, vắc xin nào sẽ được thay thế?
Vắc xin Quinvaxem dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018 trên quy mô toàn quốc, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 tương tự.
Theo đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2018 sẽ thay thế hoàn toàn vắc xin mới vì nhà máy ở Hàn Quốc không còn sản xuất vắc xin Quinvaxem.
Theo đó, vắc xin được thay thế là vắc xin DPT-VGB-Hib có thành phần tương đương với vắc xin Quinvaxem do Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này được mua bằng nguồn kinh phí Nhà nước và hỗ trợ 1 phần của Liên minh toàn cầu vắc xin và Tiêm chủng.
Lịch tiêm không thay đổi, tiêm cho trẻ 2,3 và 4 tháng tuổi, vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã, phường.
Trước khi được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, loại vắc xin thay thế này đã được sử dụng hơn 400 nghìn liều ở trên 40 quốc gia. Vắc xin đạt tiêu chuẩn về kiểm định của WHO, đồng thời cũng được Bộ Y tế khẳng định cấp số đăng ký.
Dự kiến, loại vắc xin mới này sẽ được tiêm thí điểm vào quý 2 năm 2018 tại 4 tỉnh Hà Nam, Đồng Tháp, Bình Định, Kon Tum.
Văcxin Quinvaxem là loại vắc xin ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi. Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất và được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ.
Năm 2013, vắc xin Quinvaxem từng bị tạm dừng sử dụng sau khi bị nghi gây ra có 43 ca phản ứng nặng sau tiêm. WHO sau đó đánh giá, trong số đó chỉ có 9 trường hợp có thể liên quan đến tiêm vắc xin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc xin. Từ tháng 11/2015, văcxin này được tiếp tục tiêm cho trẻ đến nay.