Với lòng biết ơn lãnh tụ Fidel Castro và vì mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba, Việt Nam để Quốc tang vào hôm nay (ngày 4/12).
Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang như quy định, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro là nhà hoạt động Nhà nước và Lãnh đạo xuất sắc trong Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế, có đóng góp to lớn và tích cực cho Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống đế quốc cường quyền và áp đặt, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới trong hơn 50 năm qua. Ông đã được nhiều nước, nhất là các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh, khâm phục, vinh danh và trao tặng các phần thưởng cao quý. Ông đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Sao Vàng vào năm 1982 và Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1989.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã để lại nhiều di sản vô cùng to lớn và quý báu đối với nhân dân Cuba. Một trong những thành tựu nổi bật có thể kể đến là hệ thống y tế.
Trái với những gì mọi người thường hình dung, Cuba đang duy trì một hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng, nơi tất cả người dân đều tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng. Đặc biệt vào thập niên 1980, Cuba đã tiến hành một số cải cách hệ thống y tế rất đáng chú ý. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người dân Cuba không chỉ được xếp vào hàng tuổi thọ cao nhất khu vực mà còn đứng trong top 5 nước có tuổi thọ cao nhất thế giới.
Năm 2014, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan ca ngợi Cuba là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực y tế, không chỉ bởi chất lượng và quy mô chăm sóc sức khỏe cho người dân mà còn vì các hệ thống y tế kết nối mạnh mẽ với nghiên cứu và sáng tạo.
Bác sĩ phẫu thuật cho các bệnh nhân ở Viện Mắt Cuba tại thủ đô Havana. Ảnh: AP |
Năm 2014, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan ca ngợi Cuba là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực y tế, không chỉ bởi chất lượng và quy mô chăm sóc sức khỏe cho người dân mà còn vì các hệ thống y tế kết nối mạnh mẽ với nghiên cứu và sáng tạo, theo InterNations.
Người dân được khám sức khỏe tại nhà
Hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng ở Cuba phục vụ miễn phí cho tất cả người dân. Các bệnh viện tư, phòng khám tư hay những cơ sở y tế tư nhân khác đều không tồn tại. Chính phủ điều hành tất cả các cơ sở và dịch vụ y tế. Những chương trình tiêm chủng toàn dân hay chăm sóc y tế phổ thông khác gần như xóa sổ những căn bệnh như bại liệt, rubella, lao phổi, thủy đậu.
Với nguồn ngân sách eo hẹp, Cuba phải nghĩ ra cách tiếp cận độc đáo về vấn đề chăm sóc sức khỏe, bao gồm đặt ra quy định khám sức khỏe bắt buộc đối với người dân để nhấn mạnh phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thực tế, việc ngăn ngừa một căn bệnh hoặc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ giúp giảm chi phí cho hệ thống chăm sức khỏe cộng đồng. Điều này có nghĩa mọi người dân Cuba ít nhất phải khám sức khỏe một lần mỗi năm và thông thường họ sẽ được các bác sĩ hoặc y tá đến khám ngay tại nhà.
Trong nhiều thập kỷ, Cuba luôn sở hữu một đội ngũ chuyên gia y tế hùng hậu, được đào tạo kỹ lưỡng. Lĩnh vực nghiên cứu y khoa cũng phát triển vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học hay nghiên cứu dịch tễ học các bệnh mãn tính.
Một ví dụ nổi bật về thành tựu y tế của Cuba: Nước này được WHO chứng nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công nguy cơ lây truyền bệnh giang mai và virus HIV từ mẹ sang con.
 |
Y tá đang kiểm tra huyết áp cho một bệnh nhân ở Bệnh viện Gustavo Lima Aldereguia, thành phố Cienfuegos, Cuba. Ảnh: AP |
Suốt nhiều năm, du lịch chữa bệnh đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Cuba. Sự kiện cựu danh thủ bóng đá người Argentina Diego Maradona đến Cuba cai nghiện ma túy vào năm 2000 khiến truyền thông quốc tế vô cùng chú ý. Kể từ đó, lượng du khách nước ngoài đến Cuba với mục đích chữa bệnh hoặc chăm sóc thẩm mỹ ngày càng tăng.
Cuba năm 2015 đón nhận 3,52 triệu lượt khách quốc tế. Dù không có con số cụ thể về khách du lịch đến Cuba vì các lý do sức khỏe nhưng chắc chắn tồn tại một lượng lớn khách quốc tế đến đây để chữa bệnh nhờ hệ thống y tế Cuba đã thực thi hàng loạt biện pháp nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nước ngoài.
Nhiều bệnh viện Cuba đã thành lập nên các bộ phận chuyên biệt và đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao để chăm sóc nhu cầu của bệnh nhân nước ngoài. Gần đây, chính phủ Cuba còn thành lập hệ thống chăm sóc y tế cho người nước ngoài (Sevimed), bên cạnh Tổ chức Thương mại hóa Dịch vụ Y tế Cuba (CSMC), với nhiệm vụ quảng bá các dịch vụ y tế với khách quốc tế.
Kể từ năm 2010, các du khách nước ngoài và người nước ngoài sinh sống ở Cuba bị bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế trong thời gian cư trú.
Do Mỹ siết chặt lệnh cấm vận Cuba vào đầu thập niên 1990 nên hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng khốn đốn khi ngân sách cho thuốc men và thiết bị phải cắt giảm đến 70%. Đặc biệt, các lĩnh vực y tế chuyên môn hóa cao cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì thuốc men và trang thiết bị chuyên dụng khan hiếm.
Ngày nay, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế vẫn tác động đáng kể đến công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, sức khỏe người dân Cuba vẫn ổn định nhờ chính phủ duy trì ưu tiên cao đối với lĩnh vực y tế.
Năm 2004, chính phủ Cuba thực hiện một chương trình quốc gia nhằm tái trang bị cho 444 phòng khám đa khoa. Thậm chí, Cuba còn chọn 52 bệnh viện và viện giáo dục đại học để tái thiết thành những trung tâm chất lượng cao. Dù vậy, Cuba vẫn còn một chặng đường dài phía trước để duy trì danh tiếng là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế tốt nhất thế giới, chuyên gia nhận định.