Nhiều phòng khám bác sĩ gia đình trên cả nước đã hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân, giảm tải bệnh viện. Song nhiều người chưa hiểu về mô hình này, cho rằng bác sĩ gia đình là đến nhà thăm khám, chữa bệnh nên chưa tận dụng hết hiệu quả.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta mới triển khai 2 năm với 6 Sở Y tế áp dụng, phát huy vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục. Mô hình này giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải ùn ứ ở bệnh viện tuyến trên. Nhiều phòng khám đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, tổ chức hội chẩn trực tuyến.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết hoạt động bác sĩ gia đình bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TP HCM... với các mô hình khác nhau như trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình. Cả nước hiện có gần 300 phòng khám bác sĩ gia đình, bao gồm các phòng khám lồng ghép tại trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa và phòng khám tư nhân.
|
Khám bệnh tại nhà chỉ là một phần nhỏ công việc của bác sĩ gia đình. Việc khám chữa bệnh ban đầu của người dân cần được thực hiện tại các phòng khám bác sĩ gia đình để đảm bảo điều kiện về máy móc, xử thải...
|
Tính từ năm 2013 đến cuối tháng 6/2015, các phòng khám bác sĩ gia đình cả nước thực hiện 3.812 ca cấp cứu, 807.720 lượt khám chữa bệnh, làm 12.024 ca thủ thuật, chuyển tuyến 14.440 ca, triển khai 3.094 ca khám bệnh tại nhà cũng như tư vấn, phục hồi chức năng... Ngoài hoạt động tại phòng khám, các bác sĩ gia đình thực hiện các hoạt động tại hộ gia đình quản lý như khám bệnh, kê đơn, thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, khí dung, tiêm truyền...
Theo ông Khuê, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Đây là lực lượng quan trọng giúp người dân phòng tránh bệnh tật và giải quyết ban đầu bệnh tật, giúp điều phối giữa các chuyên khoa trong điều trị ngoại chẩn và là cầu nối giữa người bệnh với bệnh viện khi cần điều trị nội trú.
Hiện nay mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình kép. Các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết. Nhiều trường đại học y khoa đã chú trọng đào tạo lực lượng bác sĩ, cán bộ về y học gia đình, triển khai cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.
Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới hơn 100 năm qua. Tại Việt Nam mô hình rất mới nên còn gặp nhiều khó khăn như nguồn nhân lực có chuyên môn y học gia đình thiếu, chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân. Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân rất khó tham gia bảo hiểm y tế. Ở những phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép trạm y tế, người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại trạm nên không đến khám...
Xem thêm:
>> Bác sĩ y học gia đình là gì ?
>> Bác sĩ gia đình có thể chữa được những bệnh gì