Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hiện “đang làm mưa làm gió”, được các mẹ lùng xục tìm hiểu và áp dụng cho bé cưng. Vậy, bạn có biết cách ăn dặm kiểu Nhật có ưu điểm gì mà lợi hại đến vậy?
Ngược lại với phương pháp ăn dặm truyền thống, cách ăn dặm kiểu Nhật không quá chú trọng đến lượng thức ăn đưa vào cơ thể mà chỉ quan tâm đến sở thích, giúp con cảm nhận được sự thú vị trong mỗi hương vị của các món ăn. Do đó, bữa ăn của bé không chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng để phát triển mà còn là một trò chơi, một bài học.
Người Nhật luôn làm việc dựa trên khoa học và ngay cả đến việc cho bé ăn dặm cũng vậy. Theo đó, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, áp dụng dựa trên các nguyên tắc từng bước một. Vì vậy, trẻ em ở Nhật luôn rất giỏi và tự lập trong vấn đề ăn uống, trẻ phát triển khỏe mạnh, rắn chắc không bị béo phì.
Cách ăn dặm kiểu Nhật được dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
1. Khả năng ăn thô sớm
Ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, bé đã được làm quen với thức ăn thô. Điều này có nghĩa bé sẽ ăn ngay bằng cháo loãng nấu với tỉ lệ 1:10 (1 gạo, 10 nước) rồi ray qua lưới thay vì ăn bột. Độ thô cũng như độ đặc của món ăn sẽ tăng dần theo độ tuổi của bé.
Việc ăn thô sớm sẽ giúp bé học được phản xạ nhai và nuốt một cách tốt nhất. Tránh tình trạng trẻ chỉ biết nuốt chửng, ăn một cách thụ động khi ăn bất cứ thứ gì, điều này khiến trẻ dễ bị nôn trớ, hóc nghẹn rất nguy hiểm.
2. Nhận biết được mùi vị
Một ưu điểm lớn nhất của cách ăn dặm kiểu Nhật đó chính là giúp bé nhận biết được mùi vị của từng loại thực phẩm khác nhau. Theo đó, khi chế biến thức ăn cho bé mẹ sẽ nấu riêng biệt từng món và không trộn lẫn vào nhau.
Ngoài ra, việc này còn giúp trẻ sớm định hình được sở thích về ăn uống. Khi đó, món nào thích, bé sẽ vui vẻ ăn thật nhiều. Đồng thời bé cũng sẵn sàng từ chối với món không hợp khẩu vị. Điều này còn giúp mẹ nhận biết được bé có thể bị dị ứng với thực phẩm nào hay không. Sau khi giúp con tập làm quen dần với mùi vị thức ăn mẹ có thể nấu chung nhiều thực phẩm khác nhau nhằm kích thích vị giác của bé phát triển.
3. An toàn cho sức khỏe
Các mẹ Nhật thường sẽ không thêm bất cứ loại gia vị nào khác vào thức ăn của bé khi bắt đầu ăn dặm, hoặc chỉ nêm rất ít muối khoảng bằng 1/4 khẩu phần ăn của người lớn. Trẻ có thói quen ăn nhạt ngay từ đầu sẽ giúp bảo vệ thận, không bắt thận “làm việc” quá sức.
Khẩu phần ăn của bé luôn đảm bảo đầy đủ 3 nhóm thực phẩm là tinh bột, vitamin và chất đạm theo tiêu chuẩn “vàng-đỏ-xanh”. Cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Nguyên liệu nấu luôn sử dụng những thực phẩm tươi sống, không bao giờ dùng các thực phẩm làm sẵn, đóng hộp.
4. Trẻ ăn ngoan
Với kiểu ăn dặm này, bé sẽ được ngồi ăn trên ghế ăn, không đi rong, không bật ti vi, không điện thoại, máy tính… Hình thành thói quen ăn nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ, không khóc, không ngậm. Bé còn được học cách tự bốc ăn bằng tay, khi lớn hơn mẹ còn dạy cách ăn bằng muỗng, bằng nĩa.
Nhờ cách này, trẻ sẽ rất độc lập khi ăn và mẹ sẽ không phải đút từng muỗng hoặc làm đủ trò để dỗ dành con ăn. Bữa ăn của bé kết thúc một cách “nhanh gọn lẹ”, chỉ khoảng 15-20 phút.
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cách ăn dặm kiểu Nhật cũng tồn tại một số khuyết điểm như sau.
1. Mất nhiều thời gian
Có thể nói ăn dặm kiểu Nhật thường khiến mẹ tốn khá nhiều thời gian và công sức ngay từ khâu suy nghĩ lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu cho đến việc chế biến. Các món ăn của bé cần đảm bảo đúng khoa học theo từng tỉ lệ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và phải thường xuyên xoay vòng để giúp bé không cảm thấy ngán.
Ăn dặm kiểu Nhật không dùng gia vị nên hương vị từ các món ăn được tạo ra từ rau củ do đó, mẹ cần phải biết kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau.
2. Chi phí đầu tư cao
Để thuận tiện trong việc chuẩn bị bữa ăn cho bé mẹ cần trang bị cho mình bộ dụng cụ chế biến đồ ăn dặm kiểu Nhật với nhiều công cụ khác nhau như: Đĩa mài, ray, chày nghiền, vắt, bát, muỗng… Ngoài ra còn có nồi áp suất, quánh nấu cháo.
3. Trẻ không ăn được nhiều
Phương pháp này dựa trên sự tôn trọng trẻ, do đó khi bé đã không muốn ăn, mẹ sẽ dừng lại ngay lập tức, không cố gắng thúc ép. Chính vì vậy trong giai đoạn đầu có thể bé sẽ không tăng cân nhanh như cách ăn dặm truyền thống.
4. Người mẹ hay bỏ cuộc
Ngay khi áp dụng cách ăn dặm kiểu Nhật có thể mẹ sẽ thấy rất hào hứng và phấn khởi nhưng khi bắt tay vào thực hiện được một khoảng thời gian thì bắt đầu nản chí. Một phần là vì tốn quá nhiều thời gian, một phần vì không có sự “hợp tác” tốt giữa bé và mẹ và đôi khi vì những bất đồng ý kiến về cách nuôi con giữa các thành viên trong gia đình.
Hy vọng với những chia sẻ từ bài viết trên sẽ giúp mẹ có cái nhìn tổng quát hơn về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Việc lựa chọn cho bé ăn dặm theo kiểu Ta, kiểu Nhật hay kiểu Tây sẽ tùy thuộc vào từng mẹ. Tuy nhiên, dù theo cách thức nào mẹ cũng cần biết cách cho trẻ ăn dặm đúng cách để đảm bảo cho sự phát triển.